Đi dưới cái nắng hơn 30 độ C thật sự muốn lấy đi hết chút mỡ còn xót lại trong cơ thể tôi. Tôi không thích mùa hè, cũng không thích mùa đông. Hai mùa này lấy của tôi rất nhiều tiền. Mùa hè – tôi mất tiền điện dùng để chạy quạt và tủ lạnh đựng đá. Mùa đông – tôi phải dùng tiền để mua một đống quần áo rét và quà giáng sinh cho bọn trẻ ở cô nhi viện.
Tôi ước giá mà có một ngày nào đó tôi không phải chi đến một xu thì hay biết mấy. Nghĩ đến đây, tôi lại giật mình sợ hãi, người mà không phải ăn và chi tiêu bất cứ thứ gì chỉ có người chết.
Không ! Tôi không muốn chết ! Tôi còn yêu đời lắm ! Nếu tôi mà chết đi thì ai sẽ giữ hộ tiền tôi bây giờ ?
Vừa đi vừa nghĩ ngợi lung tung và tính toán làm sao để mình chi tiêu ít tiền đi, tôi vào đến tiền sảnh của bệnh viện.
Mới hơn mười giờ sáng nên bệnh nhân đến khám bệnh rất đông. Mọi người chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp. Tôi vừa nóng vừa bực. Sao họ không chọn một ngày nào đó rồi hãy đi khám bệnh, để tôi đi một mình hôm nay có phải là hay hơn không ?
_Nhanh lên ! Còn đứng ngơ ngác ở đấy làm gì ?
Một bác gái trung niên tóc hoa râm quát tôi.
Tôi căm tức mím môi. Tôi thật sự rất muốn quay lại tranh cãi với bác, nhưng sau khi nhìn thấy ánh mắt không mấy thiện cảm của mọi người xung quanh, tôi đành ngậm miệng và cố nuốt cục tức vào bụng.
Chờ đến lượt mua được sổ khám bệnh và lấy được số thứ tự của mình, người tôi đã ướt đẫm mồ hôi.
Tôi thật sự muốn kêu to lên phẫn nộ. Thật sự muốn hét ầm lên.
Ông trời tại sao mấy tháng rồi không chịu rơi xuống một giọt nước mưa, ông hại tôi ngày nào cũng phải đi làm dưới cái nóng bỏng rát.
Tôi là một con người tiết kiệm nên luôn đi làm bằng xe buýt. Căn hộ mà tôi thuê ở tận trongngõ hẻm, nên con đường dẫn đến trạm xe buýt khá xa. Vì tinh thần tiết kiệm, tôi đành chịu khổ. Tôi thấy mình thật đáng thương.
Đi lên lầu hai, tôi chăm chú nhìn tờ giấy đề tên phòng khám và đánh số thứ tự của mình. Tôi hết ngó ngược lại ngó xuôi, lần đầu tiên đến đây nên tôi không biết phòng khám khoa nội ở chỗ nào.
Nhìn thấy có một bàn tiếp tân dùng để chỉ giúp đường cho bệnh nhân đến đây khám bệnh, tôi vội bước đến.
Nở một nụ cười lấy lòng, tôi lịch sự hỏi.
_Chị làm ơn nói cho em biết khoa nội nằm ở đâu ?
Cầm cuốn sổ bệnh trên tay tôi, chị nhân viên chỉ tay về phía hành lang trước mặt.
_Em đi thẳng, đến cuối hàng lang em rẽ trái, đi thêm mấy trăm mét em sẽ thấy có một căn phòng đề tên khoa nội, em nộpsổ cho y tá, chờ cô ấy đọc số của mình, lúc đó em hãy vào khám bệnh.
_Cảm ơn chị.
Nghe chị nhân viên nhiệt tình chỉ đường cho mình, tôi thực cảm động. Tôi ước giá mà mấy bác bệnh nhân lúc nãy cũng nói với tôi giống như chị nhân viên này thì hay biết mấy.
Theo lời chỉ dẫn của chị, tôi tìm được căn phòng đề tên khoa nội ở trước cửa. Sau khi nộp sổ bệnh án cho chị y tá, tôi tìm một cái ghế trước cửa rồi ngồi xuống.
Trước cửa phòng lố nhố người đứng người ngồi, xem ra mọi người có bệnh giống như tôi cũng rất nhiều.
Tôi chờ và chờ, chờ đến gần mười một giờ bác sĩ mới gọi đến tên tôi. Người bác sĩ khám cho tôi là một bác sĩ trẻ, anh ta chỉ khoảng hơn ba mươi tuổi. Cặp kính màu trắng đeo trên mắt khiến anh ta trông rất trí thức. Khuôn mặt anh ta nam tính, anh ta không thuộc diện đẹp trai mà chỉ thuộc dạng dễ nhìn. Cũng may tôi là một kẻ yêu tiền, không phải yêu sắc đẹp nên không dễ dàng bị dụ dỗ bởi vẻ trí thức của anh ta.
Anh ta hỏi tên tôi, hỏi tuổi và ngày sinh của tôi. Tôi mở to mắt nhìn anh ta, tôi không hiểu khám bệnh thì hãy khám bệnh đi, hỏi tên và tuổi của tôi làm gì ?
Thấy tôi không trả lời mà cứ ngơ ngác nhìn mình, anh ta đẩy cọng kính gọn lên sống mũi.
_Tên cô là gì ? Cô sinh ngày bao nhiêu ?
Chắc anh ta tưởng tôi bị điếc, hay bị lãng tai.
Cố đè nén bực mình, tôi miễn cưỡng trả lời anh ta.
_Phạm Khánh Băng. Sinh ngày 25/07/1985.
Anh ta nhìn tôi một cái, sau đó mới chịu cúi xuống ghi tên và tuổi của tôi vào cuốn sổ bệnh án.
Tiếp theo, anh ta đo huyết áp và nhịp tim của tôi. Anh ta hỏi tôi những dấu hiệu và triệu chứng mà tôi gặp phải trong mấy tuần qua.
Tôi cứ tưởng như thế là xong, nào ngờ anh ta đưa cho tôi một tờ giấy và yêu cầu tôi đi làm xét nghiệm.
Tôi thấy thật sự rất phiền phức, không phải chỉ cần khám và chuẩn đoán bệnh của tôi là xong sao, hà cớ gì phải bắt tôi đi làm xét nghiệm ?
Dưới ánh mắt nghiêm khắc của anh ta, tôi chán nản đi ra khỏi phòng khám của khoa nội.